Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ giao thông vận tải, Cục hàng không Việt Nam và trực tiếp là Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc nay là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, từ năm 1994, Cảng hàng không Vinh được cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 2174m x 30 m, xây dựng nhà ga mới và các công trình phụ trợ không vận đảm bảo Cảng hàng không Vinh tái hoạt động từ tháng 1/1995 phục vụ khai thác vận chuyển thương mại hành khách bằng loại máy bay ATR 72 và tương đương trên đường bay Hà Nội – Vinh – Đà nẵng – Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại với tần suất bay 12 lượt chuyến/tuần.
Năm 2003, Cảng hàng không Vinh tiếp tục được đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh 2400m x 45m và xây dựng mới nhà ga, hệ thống đường lăn, sân đỗ, các công trình quản lý bay, đài chỉ huy, dẫn đường... đạt tiêu chuẩn cấp sân bay 4C tiếp nhận các loại máy bay A320, A321, Boing 737-400 và tương đương hạ cất cánh an toàn và thực hiện khai thác thương mại trên đường bay Vinh - Thành phố Hồ Chí Minh – Vinh bắt đầu từ 10/1/2004.
Ngày 29/01/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 347/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không Vinh thành Cảng hàng không quốc tế giai đoạn đến năm 2030 và định hướng sau năm 2030.
Theo đó, nội dung quy hoạch điều chỉnh bao gồm: Cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp I (sân bay dùng chung giữa hàng không dân dụng và quân sự)); vai trò chức năng trong mạng cảng hàng không dân dụng toàn quốc: Cảng hàng không quốc tế, đóng vai trò kết nối đường hàng không vùng Bắc Trung Bộ và tỉnh Nghệ An với các địa phương trong cả nước và các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á.
Mục tiêu quy hoạch đến giai đoạn năm 2020 với công suất 2,5 triệu hành khách/năm; 9 vị trí đỗ máy bay; loại máy bay khai thác là A321 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh là tiếp cận chính xác.